Bài 1: Giới thiệu Lịch Sử môn Bóng Chuyền

Nhằm mục đích giúp cho Sinh Viên trường CĐKT Cao Thắng nắm bắt tốt chương trình, nội dung môn học khi tập luyện thực tế tại sân. Bộ Môn GDTC triển khai giới thiệu các nội dung cơ bản của môn Bóng chuyền để các em tham khảo.

CHƯƠNG I

Ý NGHĨA, TÁC DỤNG VÀ SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

1.1. Ý NGHĨA, TÁC DỤNG CỦA VIỆC TẬP LUYỆN MÔN BÓNG CHUYỀN

Trong chương trình giáo dục thể chất do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành, Bóng chuyền được coi là một trong những nội dung chính và có một số đặc điểm nổi bật sau đây:

- Là một môn thể thao hấp dẫn, với trang thiết bị đơn giản và dễ tổ chức luyện tập cho các đối tượng có trình độ kỹ thuật, có giới tính và lứa tuổi khác nhau.

- Có nội dung kỹ thuật phong phú với sự phối hợp biến hoá sinh động và đẹp mắt.

- Có tác dụng rèn luyện thân thể cao.

Đặc điểm thứ ba chính là lý do chủ yếu thôi thúc mọi người tham gia tập luyện Bóng chuyền.

Các bài tập Bóng chuyền còn được coi là phương tiện để củng cố và phát triển thể lực, đặc biệt là ở nước ta, nơi có điều kiện tập luyện quanh năm ở ngoài trời. Luyện tập các bài tập Bóng chuyền sẽ có tác dụng củng cố hệ thống cơ xương, tăng cường sự trao đổi chất và hoàn thiện các chức năng khác của cơ thể. Chính vì vậy mà ở nước ta và nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới đã sử dụng Bóng chuyền như là một phương tiện để tăng cường sức khoẻ và chữa bệnh trong các nhà an dưỡng và các bệnh viện.

Hiện nay với mức độ phát triển cao, Bóng chuyền hiện đại đã trở thành một trong những phương tiện huấn luyện thể lực có hiệu quả nhất. Tập luyện và thi đấu Bóng chuyền đã được xếp vào loại hoạt động có cường độ vận động lớn, đòi hỏi mức độ hoàn thiện rất cao của các chức năng và các tố chất vận động trong cơ thể con người. Ngoài ra, tập luyện Bóng chuyền còn rèn luyện cho người tập những đức tính quý báu như gan dạ, kiên trì, cương quyết, ngoan cường, óc sáng tạo, tinh thần tập thể và ý thức tổ chức kỷ luật.Vì vậy đây là môn học nhằm tăng cường sức khoẻ. Thông qua các bài tập TDTT sẽ thu hút sinh viên tự giác tham gia rèn luyện thân thể, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới phát triển toàn diện, sẵn sàng lao động và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

1.2. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MÔN BÓNG CHUYỀN TRÊN THẾ GIỚI  VÀ VIỆT NAM                                                                                                                                                                                                                                                      

Bóng chuyền xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1895, do Móoc-gan, một giáo viên thể dục thể thao và là chủ nhiệm một câu lạc bộ thể dục thể thao sáng lập. Sau gần 100 năm phát triển , từ một hình thức chơi đơn giản, Bóng chuyền đã trở thành một môn thể thao hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức thi đấu.

Năm 1947, Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế được thành lập tại Paris do ông Pôn – li – bô người Pháp làm Chủ tịch.

Năm 1948, Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế đã tổ chức giải vô địch Bóng chuyền nam Châu Âu lần thứ nhất tại Ý. Có 6 đội tham gia và đội Tiệp Khắc đã đoạt chức vô địch.

Giai đoạn từ năm 1948 – 1968 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Bóng chuyền thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế, các giải vô địch Châu Âu, thế giới cho nam và nữ đã được tổ chức thường xuyên.

Năm 1952, Giải vô địch Bóng chuyền thế giới lần thứ hai cho nam và lần thứ nhất cho nữ đã được tổ chức tại Matxcơva. Các vận động viên nam, nữ Liên Xô (cũ) đã giành chức vô địch.

Năm 1956, tại Paris giải vô địch Bóng chuyền thế giới cho nam và nữ  đã được tổ chức với số đội tham dự đông đảo. Lần đầu tiên đã có sự tham dự của các đội Châu Á như: Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ấn Độ và một số đội Châu Mỹ như: Mỹ, Brazin, Cuba. Đội nữ Liên Xô (cũ) và nam Tiệp Khắc (cũ) đã đoạt chức vô địch.

Năm 1960, lần đầu tiên Bóng chuyền nam Nhật Bản tham gia giải vô địch thế giới. Nhưng chỉ sau hai năm (1962) , với sự tiến bộ nhanh chóng đội nữ Bóng chuyền Nhật Bản đã giành chức vô dịch thế giới tại Matx cơ va.

Năm 1964, lần đầu tiên Bóng chuyền được đưa vào chương trình thế vận hội Olimpic tại Tô-Ki-ô (Nhật Bản). Đội nam Liên Xô (cũ) và nữ Nhật Bản đã đoạt chức vô địch.

Từ năm 1964 đến 1974, do yêu cầu phát triển đã có nhiều thay đổi về luật lệ nhằm làm tăng tính hấp dần cho Bóng chuyền. Cùng với sự hoàn chỉnh về luật lệ, kỹ - chiến thuật cũng không ngừng phát triển và chính những điều đó đã khích lệ sự xuất hiện của nhiều vận động viên ưu tú và các đội mạnh trên thế giới. Gần đây ngoài các đội nam, nữ (Liên Xô), nữ Nhật Bản còn xuất hiện thêm một số đội mạnh, với các lối chơi rất độc đáo như nam Cộng Hoà dân chủ Đức (cũ) (vô địch thế giới năm 1970), nam Nhật Bản (vô địch thế vận hộ Mu – ních năm 1972), nam Ba Lan (vô địch thế giới năm 1974), nữ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, các đội nam, nữ Cuba, đội nữ Brazin, Mỹ…

Năm 1975, đội Bóng chuyền nữ quốc gia Mỹ bắt đầu việc tập huấn trọn năm tại Pasadena, Texas( 1979 chuyển đến Colorado Spring; 1980: Coto De Caza và Fountain Valley, CA; 1985: San Diego,CA).

Năm 1977, đội nam Bóng chuyền quốc gia của Mỹ bắt đầu việc tập huấn trọn năm tại Dayton, Ohio( 1981: chuyển đến San Diego,CA).

Năm 1983, hiệp hội Bóng chuyền chuyên nghiệp được thành lập( gọi tắt là AVP).

Năm 1984, đội Bóng chuyền Mỹ đạt huy chương đầu tiên tại Olympic tổ chức tại Losangeles với đội nam huy chương vàng, nữ huy chương bạc. Cũng tại đây Đại hội Bóng chuyền thế giới được tiến hành. FIVB bầu tiến sĩ Ruben Acota người Mexico làm chủ tịch.

Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn bóng thế giới (FIVB) đã tiến hành các giải chính thức sau:

Giải Bóng chuyền thế vận hội Olympic, 4 năm 1 lần(1976-1980-1984-1988-1992-1996-….).

Vô địch thế giới, 4 năm một lần(1978-1982-1986-1990…-1988-…).

Cúp thế giới, 4 năm một lần(1981-1985-1989-1993-1997…).

Vô địch châu Âu, 2 năm 1 lần( 1981….1995….1997….).

Vô địch trẻ châu Âu( 19 tuổi), 2 năm 1 lần( 1980-1982….1996….).

Cúp các đội đoạt cúp châu Âu hàng năm dành cho đôi các Câu lạc bộ.

Tại các châu lục khác, hàng năm cũng diễn ra các giải vô địch với qui mô rộng lớn và có chất lượng chuyên môn cao.

Ở nước ta, Bóng chuyền là môn thể thao xuất hiện tương đối sớm từ năm 1922. Trong thời kì trước Cách mạng tháng 8/1945, Bóng chuyền chưa đươc phát triển trong quần chúng nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Bóng chuyền cũng như các môn thể thao khác đã bắt đầu được phát triển nhằm tăng cường sức khoẻ để phục vụ sản xuất  và chiến đấu. Tuy nhiên Bóng chuyền ở nước ta mới chỉ thực sự đi sâu vào quần chúng và được phát triển có kế hoạch kể từ sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954).

Năm 1956, Ủy Ban thể dục thể thao Trung ương ra đời, đồng thời Hội Bóng chuyền Việt Nam cũng được thành lập và Hội đã ban hành điều lệ Bóng chuyềnViệt Nam.

Tháng 3 – 1957, giải Bóng chuyền toàn miền Bắc lần thứ nhất được tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Bóng chuyền Việt Nam và Uỷ ban thể dục thể thao Trung Ương. 10 – 1957, lần đầu tiên đội tuyển Bóng chuyền nước ta tham dự giải 4 nước Việt – Trung – Triều – Mông và xếp thứ 4.

Tháng 9 – 1958, lần đầu tiên đội tuyển Bóng chuyền nước ta tham gia giải 4 nước tổ chức lần thứ hai tại Bắc Kinh và xếp thứ 4.

Năm 1962, lần đầu tiên giải Bóng chuyền 4 nước được tổ chức tại Hà Nội, nhưng lần này chỉ có 3 đội tham gia. Đội tuyển Việt Nam xếp thứ hai trên đội Mông Cổ. Cũng trong năm này, một sự kiện khích lệ sự phát triển của nền Bóng chuyền nước ta là việc Hội Bóng chuyền Việt Nam gia nhập Liên đoàn Bóng chuyền Quốc Tế.

Năm 1963, Đại hội Ga-nê-pho Châu Á lần thứ nhất đươc tổ chức. Đội tuyển Bóng chuyền của nước ta đã tham gia và xếp thứ 5 (nhất Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên).

Giai đoạn từ 1954 – 1964, phong trào quần chúng tham gia tập luyện Bóng chuyền đã đươc phát triển khá nhanh chóng và rộng khắp từ thành thị đến nông thôn (trong giai đoạn này giải nông thôn toàn miền Bắc cũng đã được tổ chức). Phong trào còn được phát triển mạnh trong đội ngũ cán bộ công nhân viên chức và sinh viên . Tính cho đến năm 1964, toàn miền Bắc có tới 20.000 đội Bóng chuyền nam, nữ, có 13 đội hạng A nam và 13 đội hạng A nữ (trong đó có 2 đội Bóng chuyền nam, nữ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Năm 1966, đội tuyển Bóng chuyền nam, nữ Việt Nam đã tham gia Đại hội Ga-nê-pho Châu Á lần thứ hai và xếp thứ 3.

Năm 1968, giải vô địch toàn miền Bắc có 14 đội hạng A nam và 13 đội hạng A nữ tham gia. Tham gia giải lần này còn có đội tuyển của các trường: nam, nữ Trường Đại học Mỏ địa chất, nam trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Cán bộ thể dục thể thao Trung ương nay là Đại học TDTT... Đội nữ Đại học Mỏ địa chất được vào vòng chung kết và xếp thứ 4.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra cơ hội thuận lợi để phong trào Bóng chuyền phát triển rộng khắp đất nước.

Từ năm 1975 đến 1979 các đội Bóng chuyền nam, nữ phát triển mạnh mẽ (miền Nam chưa có đội nữ).

Năm 1979, lần đầu tiên tổ chức giải vô địch Bóng chuyền toàn quốc, Bộ tư lệnh Biên pphòng giành chức vô địch.

Năm 1987, giải vô địch Bóng chuyền được tổ chức tại Cửu long và thành phố HCM, miền Nam có 5 đội tham gia (vẫn chưa có các đội nữ).

Năm 1988, các đội nữ và nam nước ta đã tham gia thi đấu ở châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 1990 đến nay, phong trào Bóng chuyền nước ta phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng trên phạm vi toàn quốc, miền Nam đã có các đội nữ tham gia giải các đội mạnh nam, nữ. Các đội A1 nam-nữ được tổ chức có hệ thống, có kế hoạch dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Chúng ta đã mời các chuyên gia Trung Quốc, Cuba…sang huấn luyện. Việt Nam đã tổ chức nhiều giải thi đấu quốc tế và khu vực. Bóng chuyền nước ta luôn được đánh giá là có khả năng phát triển cao trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã kết hợp với Liên đoàn Bóng chuyền thế giới mở các lớp đào tạo huấn luyện bậc cao, trọng tài quốc gia và quốc tế. Đây là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy và nâng cao môn Bóng chuyền nước ta.

Ở Việt Nam Bóng chuyền mang tính xã hội hóa cao, đông đảo quần chúng lao động, quân đội, sinh viên, học sinh, các cơ quan ban ngành đã tích cực tham gia tổ chức tập luyện, đào tạo…..Hàng năm các giải do Uỷ ban TDTT, các bộ , ban ngành, tỉnh, thành, huyện, xã tổ chức đã được nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực.

Đối với ngành giáo dục, Bóng chuyền là một môn thể thao phổ cập và nằm trong chương trình giảng dạy chính khoá của các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ở hầu hết các trường đều có phong trào tập luyện, các đội đại biểu, có sân và các trang thiết bị cần thiết để tập luyện Bóng chuyền. Do có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các trường, nên ngành giáo dục cũng là một trong số các ngành có truyền thống tốt về phong trào Bóng chuyền.

Năm 1968, Đại hội Bóng chuyền ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp lần thứ nhất được tổ chức, có trên 100 đội nam, nữ tham gia. Hai đội nam, nữ trường Đại học Mỏ địa chất đoạt giải nhất.

Năm 1969, thành lập các đội đại biểu của ngành tham gia giải vô địch hạng a toàn miền Bắc bao gồm: nam, nữ Đại học mỏ Địa chất, nam, nữ Đại học Bách khoa. Các đội tuyển của trường Cán Bộ thể dục thể thao Trung ương và nam Đại học điện cũng đã đạt trình độ hạng A và cũng đã tham gia một số năm từ 1963 – 1976.

Trong những năm chiến tranh phá hoại, mặc dù phải di chuyền địa điểm đến nơi sơ tán nhưng phong trào tập luyện Bóng chuyền trong các trường vẫn được duy trì. Tuy nhiên về chất lượng của phong trào, nhất là của các đội đại biểu cũng có phần sút kém.

Năm 1976 – 1977, đất nước ta đã được hoàn toàn giải phóng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chủ trương tổ chức Đại hội Bóng chuyền toàn ngành lần thứ hai để chào mừng đất nước thống nhất và Đại hội Đảng lần thứ IV theo tinh thần điều lệ số 10- TDĐS ngày 17/8/1976 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đại hội đã lôi cuốn hàng vạn người tham gia luyện tập Bóng chuyền và đã tạo ra một không khí phấn khởi chào mừng các sự kiện lịch sử của đất nước trong các trường. Đại hội được chia thành 32 khu vực, 8 bảng từ Bắc tới Nam với 250 đội và gần 3000 vận động viên nam, nữ tham gia.

Vòng chung kết của Đại hội được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ 6 đến 8/5/1977 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đoạt giải nhất là đội nữ trường Trung học Lâm nghiệp Quảng Ninh và đội nam Trường Đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Sau giải lần thứ hai chào mừng đất nước thống nhất, để duy trì và phát triền phong trào tập luyện Bóng chuyền của ngành, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Hội thể thao Đại học và Chuyên nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức định kì giải Bóng chuyền toàn ngành. Giải đã lôi cuốn hàng trăm trường và hàng ngàn vận động viên tham gia tập luyện thi đấu.

CÂU HỎI ÔN TẬP:

1. Trình bày ý nghĩa và tác dụng của việc tập luyện môn Bóng Chuyền?

2. Hãy nêu những mốc chính của lịch sử phát triển môn Bóng Chuyền trên thế giới và ở Việt Nam?