Bài 8: Một số điều luật cơ bản trong Bơi Lội

Thực hiện việc triển khai công tác giảng dạy E - learning trong nhà trường nhằm mục đích giúp cho Sinh Viên trường CĐKT Cao Thắng nắm bắt tốt chương trình, nội dung môn học khi tập luyện Bơi Lội tại hồ bơi. Bộ Môn GDTC giới thiệu các nội dung cơ bản của môn Bơi Lội để các em tham khảo.

CHƯƠNG IV

MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT CƠ BẢN TRONG BƠI LỘI

Hình ảnh sinh viên trường CĐ Kỹ Thuật Cao Thắng tập luyện và thi đấu môn Bơi

Điều 1Xuất phát

1.1. Xuất phát các kiểu trong thi đấu bơi tự do, bơi ếch và bơi bướm được thực hiện với động tác nhảy xuống nước. Khi có tiếng còi dài của Tổng trọng tài, các đấu thủ phải bước lên đứng trên bục xuất phát, hai bàn chân cách mép bục một khoảng cách bằng nhau và đứng yên tại đó. Khi có khẩu lệnh chuẩn bị của trọng tài xuất phát, các đấu thủ phải nhanh chóng đứng vào tư thế xuất phát, ít nhất một bàn chân phải đặt trước mép của bục xuất phát. Khi tất cả các đấu thủ đã đứng yên, trọng tài xuất phát sẽ phát lệnh (bằng súng, kèn, còi hoặc khẩu lệnh).

1.2. Trọng tài xuất phát phải gọi các đấu thủ quay trở lại khi có lỗi xuất phát lần thứ nhất và nhắc nhở  họ không được xuất phát trước tín hiệu xuất phát. Sau lỗi xuất phát lần thứ nhất, ở lần xuất phát lại nếu bất kì đấu thủ nào xuất phát trước tín hiệu xuất phát thì sẽ bị loại. Nếu tín hiệu xuất phát được phát ra trước khi phát hiện có đấu thủ phạm qui thì cuộc đua vẫn được tiếp tục và đấu thủ hoặc các đấu thủ có lỗi xuất phát sẽ bị loại vào lúc hoàn thành đợt bơi. Nếu việc phạm qui được phát hiện trước khi có tín hiệu xuất phát thì tín hiệu đó sẽ không phát nữa, nhưng các đấu thủ còn lại sẽ được gọi quay trở lại để trọng tài xuất phát nhắc nhở về hình phạt và cho xuất phát lại.

Điều 2: Bơi tự do

2.1. Bơi tự do có nghĩa là trong thi đấu môn này đấu thủ có thể bơi bất kỳ kiểu gì. Trừ trường hợp trong môn bơi hỗn hợp cá nhân hoặc tiếp sức hỗn hợp, bơi tự do có nghĩa là tất cả các kiểu bơi khác với bơi ngửa, bới ếch, bơi bướm.

2.2. Một bộ phận nào đó của cơ thể đấu thủ phải chạm vào thành bể mỗi lần bơi hết chiều dài bể bơi và khi về đích.

Điều 3: Bơi ếch

3.1. Từ lúc bắt đầu động tác quay tay đầu tiên sau xuất phát và sau mỗi lần quay vòng, thân người phải giữ ở tư thế nằm sấp và hai vai phải song song với bề mặt nước bình thường.

3.2. Tất cả các cử động của hai tay phải đồng thời và trên cung một mặt phẳng ngang, không được phép làm các cử động luân phiên nhau.

3.3.  Hai bàn tay phải cùng đưa từ ngực về phía trước ở ngang, ở dưới, hoặc ở trên mặt nước. Hai khuỷu tay phải ở dưới mặt nước, ngoại trừ trong động tác cuối cùng. Hai tay phải quạt về phía sau ở ngang hoặc dưới bề mặt của nước. Hai bàn tay không đươc quạt ra sau quá đường trục ngang của hông, không kể động tác quạt nước thứ nhất sau xuất phát và sau mỗi lần quay vòng.

3.4. Tất cả các cử động của hai chân phải đồng thời và ở trên cùng mặt phẳng nằm ngang, không được phép làm các động tác luân phiên.

3.5. Hai bàn chân phải hướng ra ngoài trong lúc làm động tác đạp ra sau. Không được làm động tác cắt kéo, đập hoặc vẫy xuống kiểu đôphanh. Hai chân có thể nhô trên mặt nước, nhưng sau đó không được đập xuống kiểu đôphanh.

3.6. Tại mỗi lần quay vòng và trong lúc về đích, hai bàn tay phải chạm thành bể cùng một lúc ở trên, dưới, hoặc ngang mặt nước. Hai vai phải giữ ở trên một mặt phẳng nằm ngang cho đến khi chạm tay vào thành bể. Đầu có thể ngụp dưới nước sau động tác quạt tay cuối cùng trước khi chạm thành bể, miễn là đầu có nhô lên  mặt nước tại một thời điểm nào đó của chu kỳ động tác hoàn chỉnh cuối cùng trước khi chạm tay thành bể.

3.7. Trong mỗi chu kỳ hoàn chỉnh gồm một lần quạt tay và một lần quạt chân, một phần nào đó của đầu đối thủ nhô trên mặt nước, trừ trường hợp sau xuất phát và sau mỗi lần quay vòng, đấu thủ có thể làm một động tác quạt tay kéo dài ra sau đến mức chạm hai đùi và một động tác đạp chân, trong lúc thân người đang chìm hoàn toàn trong nước. Đầu phải nhô lên mặt nước trước khi hai tay hướng vào trong, tại thời điểm hai tay mở rộng ra nhất để quạt nước lần thứ hai.

Điều 4: Bơi trên đường bơi

4.1. Đấu thủ phải vượt qua toàn bộ đoạn đường bơi mới được coi là đã bơi hết cự ly thi đấu.

4.2. Đấu thủ phải về đích trên cùng đường bơi mà mình đã xuất phát.

4.3.Trong tất cả các môn thi, khi quay vòng sau lúc đấu thủ phải chạm hợp lệ vào thành bể bơi. Động tác quay vòng phải được thực hiện từ thành bể, không được bước hoặc đạp từ đáy bể bơi.

4.4. Đấu thủ đứng xuống đáy bể bơi trong khi thi bơi tự do hoặc trong đoạn bơi tự do của môn bơi hỗn hợp sẽ không bị loại, nhưng không được bước đi dưới đáy bể.

4.5. Đấu thủ gây trở ngại cho đấu thủ khác bằng cách bơi sang đường bơi khác hoặc băng hành vi cản trở khác sẽ bị loại. Nếu đó là lỗi cố ý thì Tổng trọng tài phải báo sự việc đó cho Liên đoàn thành viên đăng cai tổ chức cuộc đua và cho Liên đoàn thành viên của  đấu thủ vi phạm.

4.6. Không đấu thủ nào được phép sử dụng hoặc mang bất kỳ dụng cụ nào có thể hỗ trợ cho tốc độ, độ nổi hoặc sức bền trong lúc thi đấu (ví dụ như: áo nổi, bao tay, màng bơi, chân vịt….). Có thể đeo kính bơi.

4.7. Đấu thủ nào không tham gia đợt bơi mà nhảy xuống bể bơi trong lúc đang diễn ra cuộc đua, trước khi tất cả các đấu thủ hoàn thành cự ly, thì sẽ bị loại khỏi lần bơi sắp tới có trong chương trình cuộc thi.

4.8. Mỗi đội bơi tiếp sức phải có bốn đấu thủ.

4.9. Trong môn thi tiếp sức, đội nào có đấu thủ rời chân khỏi bục xuất phát khi đồng đội bơi trước chạm thành bể thì sẽ bị loại, trừ khi đấu thủ mắc lỗi trở lại điểm xuất phát tại thành bể, nhưng không cần phải trở lại bục xuất phát.

4.10. Một đội tiếp sức sẽ bị loại khỏi cuộc thi nếu thành viên của đội đó không phải lượt của mình mà nhảy xuống nước, khi cuộc đua đang tiến hành, trước khi tất cả các đấu thủ của tất cả các đội chưa kết thúc cự ly thi đấu.

4.11. Các thành viên của đội tiếp sức và trình tự thi đấu của họ phải được chỉ định trước cuộc đua. Mỗi thành viên của đội tiếp sức chỉ được bơi một lần trong cuộc đua. Thành phần của đội tiếp sức có thể được thay đổi giữa lúc thi đấu loại và thi chung kết, với điều kiện là thay đổi trong số danh sách đấu thủ mà Liên đoàn thành viên đã đăng ký chính thức cho môn thi này.

4.12. Các đấu thủ đã về đích hoặc hoàn thành đoạn cự ly của mình trong bơi tiếp sức phải nhanh chóng rời khỏi bể bơi, không gây trở ngại cho các đấu thủ khác còn chưa kết thúc cuộc đua. Nếu không, đấu thủ mắc lỗi hoặc đội tiếp sức của đấu thủ này sẽ bị loại.

4.13. Nếu có sự vi phạm gây tác hại đến thành tích của một đấu thủ thì Tổng trọng tài có quyền cho phép đấu thủ này thi đấu ở đợt bơi tiếp sau đó hoặc, nếu vi phạm xảy ra trong thi chung kết hoặc trong đợt bơi loại cuối cùng, thì có thể cho thi đấu thủ này bơi lại.

Điều 5: Bấm giờ

5.1. Việc điều hành thiết bị bấm giờ tự động phải có sự giám sát của các viên chức được chỉ định. Thời gian mà các thiết bị đó ghi sẽ được sử dụng để xác định người về nhất, tất cả thứ hạng và thời gian ứng với mỗi đường bơi. Các thứ hạng và thời gian được xác định đó sẽ có giá trị cao hơn những quyết định của các trọng tài và những  người bấm giờ. Trong trường hợp thiết bị tự động bị hư hỏng, hoặc có bằng chứng rõ ràng về sự hỏng hóc của thiết bị, hoặc đấu thủ đã không tác động  cho thiết bị hoạt động được thì quyết định của trọng tài đích và trọng tài bấm giờ sẽ được coi là chính thức.

5.2. Khi có sử dụng thiết bị tự động, các thành tích sẽ chỉ được ghi đến 1/100 giây. Khi có thể bấm giờ được 1/1000 giây thì con số thứ ba không cần ghi hoặc sử dụng để xác định thời gian hoặc thứ hạng. Trong trường hợp thời gian bằng nhau , thì tất cả các đấu thủ có thời gian ghi được như nhau đến 1/100 giây sẽ được xếp ở cùng một thứ hạng. Thời gian trên bảng số điện tử chỉ thể hiện đến 1/100 giây.

5.3. Mọi dụng cụ do thời gian trọng tài bấm tay đều được coi là đồng hồ. Thời gian đo bằng cách thủ công đó phải do ba trọng tài bấm giờ được chỉ định hoặc được liên đoàn của nước liên quan tán thành, thực hiện. Tất cả đồng hồ bấm giờ đều phải được chứng nhận là chính xác phù hợp với yêu cầu của cơ quan lãnh đạo liên quan. Bấm giờ tay sẽ ghi tới 1/10 giây hoặc, nếu đồng hồ có ba con số có thể đọc được tới 1/100 giây, thì ghi tới 1/100 giây. Nơi nào không sử dụng thiết bị tự động, thời gian ghi được bằng đồng hồ bấm tay sẽ được xác định như sau:

5.3.1. Nếu hai trong ba đồng hồ ghi được một thời gian như nhau và đồng hồ thứ ba không giống như vậy, thì hai thời gian giống nhau đó sẽ là thời gian chính thức.

5.3.2. Nếu cả ba đồng hồ đều khác nhau, thì đồng hồ ghi được thời gian ở giữa sẽ là thời gian chính thức.

5.3.3. Nếu một đấu thủ bị loại trong hoặc sau cuộc thi, thì việc loại đó phải được ghi vào bảng kết quả chính thức, nhưng không phải ghi hoặc công bố thời gian hoặc thứ hạng.

5.3.4. Trong trường hợp bơi tiếp sức bị loại, thì thời gian các đoạn bơi hợp lệ trước khi phạm quy của lần bơi tiếp sức bị loại đó sẽ được ghi vào bảng kết quả chính thức.

5.3.5. Thành tích tất cả các đoạn 50 mét và 100 mét của người bơi đầu tiên trong các môn tiếp sức đều được ghi lại và công bố trong bảng kết quả chính thức.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày các điều luật cơ bản của môn Bơi lội?